Trang của lớp Y6B Đại Học Y Huế khóa 89-95

Thứ Ba, 30 tháng 9, 2008

Thầy Bách - Bài của Bs. Lê Quang Thông

Tiểu sử sơ luợc Thầy Lê văn Bách

Bác sĩ Lê Văn Bách tốt nghiệp tại Đai Học Y khoa Saigon (1951 - 1958)
Y si Trung Úy ở Quân Y viện Duy Tân (Đà Nẵng) va Quân Y viện Nguyễn Tri Phương (Mang cá Huế)
Biệt phái về Đại Học Y Khoa Huế kể từ năm 1962
Tu nghiệp về Sinh Lý học taị Cộng Hòa Liên Bang Đức 1963 - 1964 (Hồi hương sớm hơn dự định vì mẹ mất)
Giảng dạy môn Sinh Lý học tai Đại Hoc Y Khoa Huế - Trưởng phòng Sinh Lý Đại Hoc Y Khoa Huế
Phó trưởng khoa đặc trách lâm sàng Đại Hoc Y Khoa cho đến năm 1975
Chủ nhiệm bộ môn nội Đại Hoc Y Khoa Huế, Chủ nhiệm khoa Nội bệnh viện Trung ương Huế từ năm 1975 cho đến 1995
Thầy mất ngày 2 tháng 4 năm 2002 vì Bệnh Phổi tắc ngẽn(Obstructive Lung Disease). Hưởng thọ 72 tuổi

Những người học trò Y khoa Huế đều nhớ đến Thầy.

Tại sao Thầy lại để trong lòng các sinh viên y khoa lòng kính trọng và ngưỡng mộ như vậy?Theo tôi,có lẽ do đức độ và lòng yêu nghề thật cao qúy của Thầy và trên nữa tôi nghĩ do tình cảm của Thầy với từng sinh viên mặc dù Thầy rất nghiêm khắc..

Tôi kể ra những kỷ niệm về Thầy để minh chứng cho nhận xét của tôi,có thể các bạn y khoa đồng môn sẽ bổ sung thêm những mẫu chuyện về Thầy nhân kỷ niệm ngày Thầy đi xa…

Sau khi học dự bị Sinh Hóa và lọai một số đối thủ thi vào y khoa khỏang 1000 thí sinh, lớp tôi khóa 12 y khoa Huế(1971-1978) lúc đó đậu chính thức 55, cộng với khỏang 20-25 ở lại, nên niên khóa năm đó khỏang 80 người,lúc đó từ năm nhất lên năm hai,năm hai lên năm ba…rớt như sung rụng, năm ba lên tư rớt khỏang 10-12, năm thứ tư và thứ năm mới yên tâm có thể ra trường.

Do chủ quan tự mãn sau khi vào được Y khoa(thời đó cũng như bây giờ sinh viên y khoa rất “sáng giá” trong tất cả phân khoa Đại học),năm đó thi lên năm hai kỳ 1(gọi là R1-hồi đó Y khoa Huế mỗi lần thi lên lớp được thi cả thảy 4 lần, R4 mà không xong là ra khỏi trường gọi là sortie lateral) tôi rớt ba môn trong đó có môn sinh lý học(SV hay gọi là Physio) .Bài của thầy Bách sọan rất hay sau khi ra trường chúng tôi còn giữ lại nghiền ngẫm nhiều điều thật lý thú,trong khi bài sinh lý của Thầy Nguyễn Cửu Khoa(nay ở Pháp) đơn giản hơn nhiều.

Tôi còn nhớ mỗi khi vào lớp, sau khi ngồi vào bàn thầy đọc như máy, tốc ký viết cũng không kịp…Trong những người chép nhanh chữ vẫn đẹp và rõ ràng làm tôi bái phục là Kiều Nga(nay là BS khoa nội Bệnh viện C-Đà nẵng), nên những lúc “tẩu hỏa nhập ma” không chép kịp tôi năn nỉ Kiều Nga cho muợn vở về chép-phải trả ngay vào hôm sau để mà viết tiếp-ráp nối từng đọan nhiều khi tôi vịết không kịp bỏ băng cả trang, hèn chi Kiều Nga luôn đậu đầu có học bỗng… còn tôi có bao giờ mơ tới học bỗng nổi(hồi đó không kể giàu nghèo SV đậu cao là có học bỗng).

Năm ấy ôm ba môn thi lại tôi chẳng biết hè là gì, trong ba tháng tôi về quê nội ở Văn xá cách Huế 14 cây số về phía Bắc “bế quan luyện công”, lúc đó áp lực thi cử rất nặng vì không có hõan dịch gia cảnh,chỉ cần ở lại là …vào Thủ đức móc lon chuẩn úy rồi chưa biết đi về đâu…và biết đâu ra chiến trường thì rất dễ ”xanh cỏ đỏ ngực”(ý của sinh viên lúc đó ám chỉ huy chương đỏ trên ngực nhưng dễ nằm dưới một nấm mồ xanh).

Kỳ R2 năm đó hai môn Anato và Histo tôi đậu dư điểm riêng môn Physio tôi vẫn thiếu ¼ điểm,tôi nhớ hòai đề thi Thầy,dù có học thuộc lòng cũng chịu vì đề thi có tính tổng hợp và phân tích nhiều bài nối kết nhau thật hóc búa ”Anh chị hãy nói về sinh lý sự đi”,có nghĩa là sinh lý từ bứơc đi chập chững của trẻ sơ sinh bởi sự kiểm sóat của vỏ não đến khi thành người lớn đi là một phản xạ tự nhiên bởi các trung tâm vận động, tôi viết gần 4 trang vậy mà…vẫn thiếu…điểm, điều này nếu ở lại lớp có nghĩa là phải ca bài “Thi hỏng mất rồi ta đợi ngày đi…”(Thà như giọt mưa-Thơ Nguyễn Tất Nhiên,nhạc Phạm Duy).

Tôi còn nhớ hòai như in đêm trứơc khi ra hội đồng cứu xét tôi đến nhà thầy dưới cơn mưa tầm tả, nhà Thầy ở chung cư đường Lê Lợi, tôi “phục kích” thầy vừa từ phòng mạch ở Bến Ngự về xúât hiện ngay chân cầu thang “ca bài năn nỉ…thầy giúp em khỏi đi lính…”,Thầy ôn tồn bảo rất nhẹ nhàng ”Anh về đi,nếu không đạt anh cứ ở lại học thêm cho giỏi,ngành y cần những BS giỏi thật sự chứ không cần những người kém cõi để thành những sát nhân…”.Thầy không đuổi nhưng thầy vào phòng khép cửa..tôi đứng hồi lâu hy vọng thầy mở cửa kêu vào nhưng thời gian cứ trôi qua, biết không kết quả gì…tôi lủi thủi ra về lòng buồn rười rượi…

Hai ngày sau hội đồng thi thông báo chỉ có hai người thiếu ¼ điểm được đậu vớt cho lên năm thứ hai là tôi nhờ có tham gia ban nhạc Y khoa-Ban nhạc lúc ấy gồm có:tôi là guitar solo,Nguyễn Hải Thủy (nay là PGSTS bộ môn Nội tiết) guitar accord kiêm Ca sĩ, Thám(nay ở đâu không biết)chơi trống,ban nhạc hay chơi lại các bản của ban nhạc Phượng Hòang như Tôi muốn,Yêu người yêu đời…giọng Hải Thủy lúc đó rất hay, cho đến bây giờ vẫn còn hay… và một người được vớt ¼ điểm nũa là Yên(con trai rạp xinê Hưng đạo,không biết nay ở đâu) nhờ có thành tích thể thao huy chương vàng chạy 100mét của viện Đại học Huế, tội nghiệp cho người bạn thân cùng phòng của tôi và cũng là guitar bass Nguyễn Đình Phương(nay là BS ở SanJose-Hoa kỳ)thiếu ½ điểm môn Physio đành phải ở lại năm thứ nhất, nhưng cũng may Phương có hõan dịch gia cảnh!

Hồi đó sinh viên tham gia sinh họat văn thể mỹ cũng có cái lợi mà riêng cá nhân tôi thật may mắn..(ở các đại học danh tiếng như Havard,Oxford … các sinh viên có thành tích thể thao văn nghệ được cộng thêm điểm,còn Việt nam thì …có lẽ linh họat?) tôi biết thầy vẫn giúp cho những sinh viên không thiếu điểm nhiều quá và có tham gia sinh họat cộng đồng, cả hội đồng nhất trí thì không mang tiếng thiên vị ai cả…Hồi đó thi cử thật công bằng và chất lượng, nên gặp một thầy ”đuya”(dur) mà môn ấy của thầy được tòan quyền sinh sát thì sẽ ra sao? Thật hú hồn cho năm đầu tiên của tôi tại Đại học y khoa

Năm thứ hai, sinh viên y khoa lúc đó đã “lẽo đẽo” theo các đàn anh đi lâm sàng với thầy, thầy còn nhắc “văn nghệ tất niên năm nay anh có tiết mục gì cho hay nhưng mà anh phải học cho đậu kỳ một đó nghe!..”, năm đó tôi với Trần Hữu Dàng(bây giờ là PGSTS bộ môn nội,chủ tịch công đòan Y khoa Huế),và Hà Thúc Thanh(nay ở Mỹ) tam ca bài “Mảnh Bằng” của AVT để nhớ rằng đọat bằng tiến sĩ y khoa Huế cũng không phải dễ xơi…Nhìn xuống hàng ghế đầu thấy thầy Tự(Sản khoa) cười rất to,thầy Bách thì cừơi nhẹ nhàng khi tụi tôi ca đến câu ”cái bằng to chỉ một gang thôi… mà sao con gái… mà sao con gái.. họ mê quá trời..”,cùng lúc điệu bộ diễn tả xòe bàn tay như đo một tấc, trong lòng tôi thật vui sướng biết mình biểu diễn thành công vì Thầy rất ít cười …

Năm đó rút kinh nghiệm “gạo” Physio thầy ngay từ đầu năm,chỉ với R1 tôi không có nợ môn nào,và năm đó tôi mới có một mùa hè thật… thú vị cùng lúc xinê Tân Tân chiếu phim “Tình thù rực nắng”…

Những năm sau giải phóng đi lâm sàng với Thầy,tôi thấy thầy luôn tới trước giờ hành chính thăm bệnh, sáng nào các SV cũng bình bệnh án đêm trực hôm qua, thầy nắm bệnh còn rõ hơn các SV năm thứ sáu,bổ sung nhiều dữ kiện lâm sàng mà thầy thu thập rất tinh tế mà bọn tụi tôi bỏ sót do khám không kỹ và thầy luôn đưa tất cả về một bệnh và giải thích cơ chế rất tài tình, sau này khi ra bác sĩ độc lập tác chiến tôi thấy chẩn đóan gom tất cả các triệu chứng về một bệnh thường là đúng hơn là bệnh chính, bệnh kèm,và các triệu chứng còn lẻ loi không giải thích được là phải xem chừng chẩn đóan sai…một lần tôi báo cáo bệnh nhân tử vong, sinh viên năm dưới được dịp thực tập xoa bóp ngòai ngòai lồng ngực tích cực đến nỗi gãy một khớp sụn sườn,thầy nhẹ nhàng trách móc các anh làm chi mà mạnh tay dữ rứa dù người ấy đã chết vì giai đọan cuối của một bệnh nan y…để thấy lòng nhân hậu của thầy đối với tất cả bệnh nhân..

Những tháng cuối cùng sắp ra trường, có lần đi lâm sàng thầy Bách đưa một bản ECG các bạn không ai đọc đúng, tôi đọc hội chứng Wolf Parkinson White, thầy khen ngơị - rất ít khi thầy khen ai trước mặt - các lớp dưới rất phục..(hồi đó nếu không rành về ECG hội chứng này dễ lầm với bloc nhánh hay nhồi máu…còn khi đã thành chuyên khoa tim mạch thì chẳng khó gì)

Từ đó tôi đựơc các SV lớp dưới thán phục về đọc Điện tâm đồ,thường theo tôi học hỏi…đâu có biết tôi là học trò ”chân truyền” của thầy Bửu-Cardiologist- thầy hay tận tình chỉ bảo cho tôi nhất là về ECG vì thầy thấy tôi cần cù siêng năng học hỏi…Riêng thầy Nguyễn Bửu tôi còn nhớ hòai kỷ niệm thầy hội chẩn với GS Trần Đõ Trinh,Gs Đặng văn Chung..chỉ với ống nghe thầy Bửu nói đây là Myxoma nhĩ trái,trong khi các thầy Hà nội thận trọng cần phân biệt hẹp hai lá, sau này chuyển thầy Tôn Thất Tùng mổ đúng là U nhầy nhĩ trái,tôi hỏi sao thầy tự tin vậy thầy bảo ống nghe chưa đủ phải phối hợp hỏi bệnh và khám lâm sàng,ca này có ngất khi thay đổi tư thế và tiếng rung tâm trương cũng thay đổi khi nghe tim nhiều tư thế khác nhau,tôi học được thầy Bửu là phải có lâm sàng phối hợp,sau này khi trở thành BS siêu âm, tôi nhớ lời thầy, không bao giờ để cận lâm sàng đơn độc và người BS siêu âm giỏi là nhờ nhiều kiến thức lâm sàng hổ trợ…

Hai người Thầy đáng kính về đức độ và tài năng trong nội khoa là thầy Bách và Thầy Bửu đã giúp cho tôi rất nhiều hành trang y khoa nhưng quan trọng nhất hai thầy truyền lại cho tôi phương pháp luận y học đó là “nhất nguyên” chẩn đóan, tất cả đều do một bệnh gây ra, hạn chế chẩn đóan nhiều bệnh trên một bệnh nhân,các triệu chứng nào xuất hiện trên người bệnh mà không giải thích được ta phải tìm cho ra kẻo sai sót chẩn đóan và thứ hai là luôn kết hợp lâm sàng khi phân tích xét nghiệm ECG, Xquang và nay là siêu âm,CT,MRI phải có lâm sàng hổ trợ tỷ lệ đọc đúng càng cao sai sót càng thấp…

Hôm nay hai Thầy đã đi xa(Thầy Bửu đang sống tai Hoa Kì) nhưng trong lòng những người học trò của Thầy vẫn tiếp tục nhớ mãi công ơn của Thầy và nhất là đức độ và tài năng luôn tỏa sáng và dẫn đường cho các thế hệ chúng tôi tiếp tục hành trình trên con đường đã chọn:Y Đạo!

Lê Quang Thông

http://freewebs.com/ykhoa12/thaybach.htm

1 nhận xét:

Bùi Quốc Huy nói...

Bài hay quá Tuyên.Biết thêm những kỷ niệm về người Thầy mà ta hằng tôn kính quả là hạnh phúc lớn cho mỗi môn đồ chúng mình.Thầy đã đi xa nhưng nhân cách Thầy còn mãi với thời gian,với tâm tưởng của từng người học trò nhỏ của Thầy.